khu du lịch sinh thái Măng Đen


khu du lịch sinh thái Măng Đen- Nhiều người ví Măng Đen (Kon Plong - Kon Tum) như Đà Lạt thứ hai của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng chỉ cần tinh tế một chút, bạn sẽ nhận ra sương mù, rừng thông và cái lạnh nhè nhẹ kia mang vẻ đẹp hoàn toàn khác, nguyên sơ và thánh thiện vô cùng. Măng Đen không phải phiên bản của Đà Lạt mà là món quà vô giá đại ngàn đã ban tặng riêng cho Kon Tum.
Nơi đất trời là một
Khu du lịch sinh thái Măng Đen từ lâu đã được du khách biết đến với thắng cảnh mộng mơ, quyến rũ, khí hậu mát lạnh quanh năm. Cách thị xã Kon Tum khoảng 50km về phía Đông Bắc, với những tiềm năng sẵn có, miền đất xanh Măng Đen vừa được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) đưa vào chiến lược quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 và là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của Kon Tum. Theo người dân bản địa, Măng Đen là tên địa danh mà người Kinh phiên âm từ T’măng Deeng của người Mơ Nông (“T’măng” nghĩa là bãi bằng“,đất bằngñ; “Deeng” là chỗ ở).
Quốc lộ 24 đoạn từ Kon Tum đi Quảng Ngãi (và ngược lại) như dải lụa len lỏi giữa núi đồi cao nguyên, mềm mại băng qua khu du lịch sinh thái Măng Đen ngày càng được đầu tư mở rộng, giúp du khách dễ dàng hơn khi tìm đến miền đất giàu tiềm năng này. Khu du lịch bao quanh trung tâm huyện Kon Plong với những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông bạt ngàn trải dài vô tận và hàng chục thác, suối, hồ nước kỳ ảo, trong xanh. Nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, Măng Đen nối liền đèo Măng Đen cao vút ở phía Nam và đèo Biolắc thơ mộng ở phía Bắc (địa phận tỉnh Quảng Ngãi), là điểm phân thủy Đông-Tây Trường Sơn, nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm mát lạnh, với nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C. 
Khách đến khu du lịch Măng Đen thích thú với những
trò chơi dân dã, đơn giản, đem lại cảm giác thư thái
gần gũi thiên nhiên.

Từ trung tâm huyện Kon Plong, bách bộ chừng 1km, du khách có thể thỏa thuê ngắm nhìn những thảm thực vật hoang sơ, bí ẩn, dường như chưa có sự tác động của bàn tay con người. Xa xa, hàng chục hồ nước, thác nước xanh trong, mát lạnh ào ạt đổ. Sim mua mọc san sát, phủ tím những con đường mòn dẫn vào các khu rừng nguyên sinh. Trong rừng, vẫn còn những cây cổ thụ một người ôm không xuể, những loại gỗ quý hiếm như thông đỏ, pơ mu và các dược liệu quý như trầm dó, quế; những loài động vật hoang dã như trăn, sơn dương, nhím...
Măng Đen còn được xác định là thượng nguồn sông Ba chảy qua địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, bồi đắp phù sa, làm nơi định cư, lao động sản xuất của hàng vạn cư dân ở hạ nguồn. Người dân bản địa hiện vẫn còn lưu giữ được những sắc màu văn hóa truyền thống hết sức độc đáo.

Măng Đen và những khác biệt
Người khẳng định sự khác biệt đó là ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Kon Plong. Trong sương mờ và cái lạnh buổi sáng vùng cao, bên ly cà phê ấm cúng, ông Hùng lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi mang mảnh đất này so sánh với Đà Lạt (Lâm Đồng): “Hãy hình dung Măng Đen hôm nay, Măng Đen ngày mai, ngày kia để so sánh với các địa danh du lịch nổi tiếng khác...”. 
Thị trấn Măng Đen ngày nay như lột xác với nhiều dự án
đầu tư phát triển du lịch. (Ảnh: Khu biệt thự của Cty
Du lịch Sài Gòn Măng Đen).

Sáu năm trước, khi cùng những người tiên phong nhận nhiệm vụ về đây, trong suy nghĩ của nhà lãnh đạo huyện mới này đã mường tượng về một khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái tận dụng tối đa sự hoang sơ của rừng già và khí hậu mát mẻ quanh năm. Ngày đó, những cán bộ tăng cường này chính là 2% hiếm hoi người đồng bằng có mặt ở đây, khi huyện Kon Plong cũ được tách thành hai huyện mới: Kon Plong và Kon Rẫy.
Khỏi nói về những khó khăn ban đầu như ở tập trung trong những lán trại của các lâm trường, giữa muỗi mòng, vắt, chướng khí của rừng. Sau sáu năm, thấp thoáng giữa rừng nguyên sinh là những ngôi biệt thự hiện đại đẹp đến mê hồn, những con đường nhựa hình thành xẻ khắp các khu dân cư...
Với một “cơ chế thoáng”: giao đất với giá mềm và khống chế bằng biện pháp trong 60 ngày phải khởi công ngay nhằm tránh sự đầu cơ, chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư!”, ông Võ Xuân Truyền, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Kon Plong cho biết. Hàng trăm mẫu biệt thự được lãnh đạo Măng Đen “sưu tầm” từ nhiều nguồn để cung cấp cho nhà đầu tư, nhưng không cứng nhắc mà nhà đầu tư có thể chủ động thiết kế theo ý mình, miễn sao không phá vỡ cảnh quan chung.
Vài chục căn biệt thự thành hình giữa đại ngàn, vẻ hoang sơ đã lùi bước nhưng thiên nhiên vẫn tràn trề trong từng centimet vuông không khí. ấn tượng nhất chính là dãy biệt thự của doanh nghiệp Sài Gòn Măng Đen tọa lạc ngay trục lộ chính với hai khu Hoa Hồng và Hoa Sim đã đưa vào sử dụng.

Tuyên thệ với rừng già
Măng Đen không chỉ có rừng và biệt thự, ít nhất ba thác lớn có thể khai thác như là danh thắng du lịch. Ngay ở trung tâm Măng Đen, hồ Pak Ke lấp lánh giữa thung lũng êm đềm mà bất kỳ ai có chút am hiểu về du lịch đều nhìn thấy tiềm năng của nó. Nói cách khác, nhìn đâu người ta cũng thấy thắng cảnh ở thị trấn chưa thành hình này (huyện miền núi Kon Plong vẫn chưa có thị trấn huyện lỵ).
Có điều, đi kèm tiềm năng, lợi thế là những băn khoăn trăn trở. Tốc độ đầu tư nhanh, dốc hầu bao lớn, nhà đầu tư nào cũng muốn sinh lợi liền tay. Và có không viễn cảnh rừng già Măng Đen sẽ bị ngành công nghiệp không khói vắt đến cạn kiệt? “Điểm khác biệt lớn nhất nếu đem Măng Đen so sánh với Đà Lạt hoặc Sa Pa chính là cây xanh - rừng già” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Đây chính là lời hứa của chúng tôi với thiên nhiên!”.
Ngay khi giao đất cho chủ đầu tư, trên diện tích 1.000-1.500m2, các nhà quản lý Măng Đen khống chế diện tích xây dựng chỉ chiếm tối đa 30% quỹ đất này, bảo đảm rừng thông vẫn phủ xanh ở các khu thị tứ. Đi sâu vào rừng thông già, đột ngột hiện ra trước mắt chúng tôi là những hàng lưới B40 được quây lại trên diện tích rộng mênh mông. Những chú nai rừng ngơ ngác sau vòng lưới, xa hơn là heo rừng, gà rừng...
Trong một môi trường tuyệt đối... rừng như thế, thật thú vị khi tận mắt chứng kiến những sản vật rừng sinh động. Nói là bảo tồn thiên nhiên thì hơi quá, nhưng sự khác biệt giữa Măng Đen và những khu sinh cảnh tương tự là rất lớn, khó diễn đạt bằng lời. Ngoài ra, còn có dự án trồng rừng đã được phê duyệt của một doanh nghiệp trong tỉnh Kon Tum.
Với lợi thế vùng khí hậu ôn đới trong xứ nhiệt đới, nếu Măng Đen chỉ để nhìn thì chưa đủ. Những dự án đầu tư cho hoa và rau đã có, không chỉ làm đa dạng hóa thảm thực vật mà chắc chắn sẽ làm giàu thêm cho người dân Măng Đen. Người ta cũng đã bắt đầu nuôi cá hồi ở đây với lời tuyên bố chắc nịch của các nhà nghiên cứu, rằng khí hậu ở đây là thích hợp nhất cho giống cá này trên đất nước Việt Nam.
Với mỗi người, Măng Đen mang đến một cảm xúc khác nhau, có thể là sự thư thái, có thể là cảm giác nhẹ nhàng như được hoà mình vào đất trời. Chẳng thế mà một nhà thơ khi đến thưởng ngoạn thắng cảnh Măng Đen huyền ảo đã viết: “Măng Đen chiều se lạnh/Nắng vàng vội vã đi đâu/Sương giăng mờ khắp lối/Đồi thông khói đá lững lờ/Chiều Măng Đen suối ngàn xa vọng lại/Cơn gió nô đùa trên những cành lan/Bên thảm cỏ non chú nai vàng say giấc/Măng Đen ơi ai dệt mây tranh”. Có lẽ Măng Đen còn có nhiều hơn thế…
Nguồn: Tổng hợp

Nhận xét&Bình luận

| Copyright © 2014 Du lịch Măng Đen: Thông tin kinh nghiệm du lịch Măng Đen